Theo Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/05/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, từ ngày 01/08/2016, mức phạt đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản sẽ giảm từ 2 – 4 triệu đồng xuống còn từ 500.000 đồng – 1,5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung mức phạt đối với hành vi làm mất chứng từ thu phí, lệ phí có mệnh giá. Cụ thể, mức phạt tiền đối với hành vi làm mất mỗi số của chứng từ thu phí, lệ phí ít nhất là 50.000 đồng, tối đa bằng mệnh giá in trên chứng từ thu phí, lệ phí. Trường hợp gian lận, trốn nộp phí, lệ phí, mức phạt tiền bằng từ 1 – 3 lần số tiền gian lận, trốn nộp, tối đa là 50 triệu đồng.

Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 6 Điều 34 như sau:
“1a. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản;
1b. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp không đủ Điều kiện đặt in hóa đơn, trừ trường hợp cơ quan thuế không có ý kiến bằng văn bản khi nhận được đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in của tổ chức, doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy các hóa đơn đặt in không đúng quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1b, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này”.


Bổ sung Khoản 1a vào Điều 37 như sau:
“1a. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Nộp thông báo Điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp và hành vi nộp bảng kê hóa đơn chưa sử dụng đến cơ quan thuế nơi chuyển đến khi doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm sau 10 ngày kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn tại địa chỉ mới.
b) Sử dụng hóa đơn đã được Thông báo phát hành với cơ quan thuế nhưng chưa đến thời hạn sử dụng (05 ngày kể từ ngày gửi Thông báo phát hành)”.
Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 37 như sau:
“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Lập Thông báo phát hành hóa đơn không đầy đủ nội dung theo quy định;
b) Không niêm yết Thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định;
c) Nộp thông báo Điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp và hành vi nộp bảng kê hóa đơn chưa sử dụng đến cơ quan thuế nơi chuyển đến khi doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp từ sau 20 ngày kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn tại địa chỉ mới”.
Bổ sung Điểm g vào Khoản 3 Điều 38 như sau:
“3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Lập hóa đơn không đúng thời Điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
b) Lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo quy định;
c) Ngày ghi trên hóa đơn đã lập xảy ra trước ngày mua hóa đơn của cơ quan thuế;
d) Lập hóa đơn nhưng không giao cho người mua, trừ trường hợp trên hóa đơn ghi rõ người mua không lấy hóa đơn hoặc hóa đơn được lập theo bảng kê;
đ) Không lập bảng kê hoặc không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
e) Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế.
g) Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn hoặc hóa đơn đã lập theo bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ; trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền.
Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng), người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hợp đồng, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa và có một tình Tiết giảm nhẹ thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ hai tình Tiết giảm nhẹ thì xử phạt cảnh cáo.
Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn, trừ liên giao cho khách hàng, trong thời gian lưu trữ thì xử phạt theo pháp luật về kế toán.
Trường hợp người bán tìm lại được hóa đơn đã mất (liên giao cho khách hàng) khi cơ quan thuế chưa ban hành quyết định xử phạt thì người bán không bị phạt tiền”.
Bãi bỏ Điểm a Khoản 4 Điều 38.
Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 39 như sau:

“1. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) để hạch toán kế toán, kê khai thuế và thanh toán vốn ngân sách; trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền.
Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng), người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hợp đồng, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa và có một tình Tiết giảm nhẹ thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ hai tình Tiết giảm nhẹ thì xử phạt cảnh cáo.
Trường hợp người mua tìm lại được hóa đơn đã mất khi cơ quan thuế chưa ban hành quyết định xử phạt thì người mua không bị phạt tiền”.
Sửa đổi, bổ sung Khoản 1; bổ sung Khoản 4 vào Điều 40 như sau:
“1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo theo quy định gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn.
Trường hợp tổ chức, cá nhân tự phát hiện sai sót và lập lại thông báo, báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì không bị phạt tiền”.
“4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân vi phạm Khoản 1 Điều này phải lập và gửi lại cơ quan thuế thông báo, báo cáo đúng quy định”.
Bổ sung Khoản 5a vào Điều 44 như sau:
“5a. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi thẩm quyền của mình quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại Nghị định này:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 5 Điều 33, Khoản 6 Điều 34, Khoản 8 Điều 35, Khoản 4 Điều 36, Khoản 3 Điều 37 và Khoản 6 Điều 38 của Nghị định này.
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 5 Điều 33, Khoản 6 Điều 34, Khoản 8 Điều 35, Khoản 4 Điều 36, Khoản 3 Điều 37 và Khoản 6 Điều 38 của Nghị định này”.

Cũng từ ngày 01/08/2016, tổ chức, doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp đó không đủ điều kiện đặt in hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 2 – 4 triệu đồng; đồng thời buộc phải hủy các hóa đơn đã đặt in không đúng quy định.
Đặc biệt, cá nhân không thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh tăng/giảm cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp phải thông báo giá; áp dụng mức giá kê khai, đăng ký không đúng thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng. Trường hợp không kê khai giảm giá phù hợp với biến động giảm giá của yếu tố hình thành giá hoặc không kê khai giá đúng thời hạn theo văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, mức phạt tiền dao động từ 5 – 10 triệu đồng.

Với hành vi không đăng ký giá, mức phạt tiền cũng được quy định chi tiết hơn so với trước đây, từ 10 – 30 triệu đồng tùy theo số lượng hàng hóa, dịch vụ không đăng ký giá. Trong đó, mức phạt tiền cao nhất từ 25 – 30 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không đăng ký giá từ 21 hàng hóa, dịch vụ cụ thể thuộc diện kê khai giá trở lên trong trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016.